Kinh tế Thanh_Hóa

Thành phố Thanh Hóa về đêm

Công nghiệp

Theo số liệu của tổng cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2009, chỉ số phát triển công nghiệp của toàn tỉnh tăng 8,2%, đây là mức tăng cao so với mức tăng bình quân của cả nước là 4,6% (trong đó TP Hồ Chí Minh và Hà Nội chỉ tăng ở mức thấp là 0,4% và 2,7%).[25] Trong bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2011, tỉnh Thanh Hóa xếp ở vị trí thứ 24/63 tỉnh thành.[26]

Tính đến thời điểm năm 2018, Thanh Hóa có 7 khu công nghiệp tập trung và phân tán:

  • Khu công nghiệp Bỉm Sơn - Thị xã Bỉm Sơn
  • Khu công nghiệp Nghi Sơn (nằm trong Khu kinh tế Nghi Sơn) - Huyện Tĩnh Gia
  • Khu công nghiệp Lễ Môn - Thành phố Thanh Hóa
  • Khu công nghiệp Đình Hương (Tây Bắc Ga) - Thành phố Thanh Hóa
  • Khu công nghiệp Lam Sơn - Huyện Thọ Xuân
  • Khu công nghiệp Hoàng Long - TP Thanh Hóa.
  • Khu công nghiệp FLC Hoàng Long - TP Thanh Hóa.

Hiện tại Thanh Hóa đang xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn. Khu kinh tế này được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động số 102/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2006. Khu kinh tế này nằm ở phía Nam của tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội 200 km, có đường bộ và đường sắt quốc gia chạy qua, có cảng biển nước sâu cho tàu có tải trọng đến 30.000 DWT cập bến. Khu kinh tế Nghi Sơn là một trung tâm động lực của vùng Nam Thanh Bắc Nghệ đang được quy hoạch, cũng được đánh giá là trọng điểm phát triển phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đồng thời là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Nông nghiệp

Thống kê đến năm 2004, toàn tỉnh có 239.842 ha đất nông nghiệp (chiếm 21,6% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh)[27] đang được sử dụng khai thác.

  • Năm 2013, tổng sản lượng lương thực cả tỉnh đạt 1,65 triệu tấn[28].
  • Năm 2014, tổng sản lượng nông nghiệp cả tỉnh đạt 1,737 triệu tấn[29].

Lâm nghiệp

Theo số liệu thống kê năm 2014 toàn tỉnh Thanh Hóa có diện tích đất lâm nghiệp 626.576,1 ha[30]. Diện tích che phủ rừng tới năm 2013 đạt 51%. Tài nguyên giá trị thực vật của rừng Thanh Hóa rất đa dạng sinh học về bảo tồn nghiên cứu cũng như giàu tiềm năng khoang nuôi tái sinh phục hồi các loài cây bản địa có giá trị cao: lát, pơ mu, sa mu, lim xanh, táu, sến, vàng tâm, giổi, de, chò chỉ... Các loại thuộc tre nứa gồm có: luồng, nứa, vầu, giang, tre,... Ngoài ra nguồn lâm sản ngoài gỗ còn có: mây, song, dược liệu, quế, cánh kiến đỏ... Rừng trồng phát triển kinh tế có các loại cây lâm nghiệp: luồng, thông nhựa, mỡ, bạch đàn, phi lao, quế, cao su. Thanh Hóa là tỉnh có diện tích luồng lớn nhất trong cả nước với diện tích trên 71.000 ha (chiếm 55% diện tích luồng toàn Việt Nam)[31].

Phát triển lâm nghiệp tổng hợp của Thanh Hóa theo xu hướng kết hợp bảo tồn, nghiên cứu, giáo dục và du lịch sinh thái có các khu rừng đặc dụng: vườn quốc gia Bến En, vườn quốc gia Cúc Phương (địa phận huyện Thạch Thành), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, khu sinh thái đảo Hòn Mê. Lâm nghiệp Thanh Hóa cũng phát triển đa dạng hơn với nghề chăn nuôi động vật hoang dã: Hươu, nai, gấu, hổ[32].

Ngư nghiệp

Ngư nghiệp Thanh Hóa có nhiều điều kiện phát triển

Thanh Hóa có 102 km[27] bờ biển và vùng lãnh hải rộng 17.000 km², với những bãi cá, bãi tôm có trữ lượng lớn. Dọc bờ biển có 5 cửa lạch lớn, thuận lợi cho tàu thuyền ra vào. Tính đến năm 2014 tỉnh Thanh Hóa có 7.308 tàu đáng bắt cá ngoài khơi[29].

Dịch vụ

Ngân hàng

Bên cạnh Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh gồm Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách. Hiện nay, các ngân hàng đang thực hiện đổi mới và đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong việc chuyển phát nhanh, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán quốc tế bảo đảm an toàn và hiệu quả. Tổng nguồn vốn huy động tín dụng hàng năm đạt trên 3.000 tỷ đồng, tổng dư nợ năm 2002 đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2001.

Thương mại dịch vụ

Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, thương mại Thanh Hóa đã có bước phát triển quan trọng. Trên địa bàn đã hình thành hệ thống bán buôn, bán lẻ với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, tạo điều kiện lưu thông thuận tiện hàng hóa phục vụ nhu cầu đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Kim ngạch xuất khẩu tăng đều qua các năm, năm 2000 đạt trên 30 triệu USD, năm 2001 đạt 43 triệu USD và năm 2002 đạt 58 triệu USD. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, bên cạnh thị trường Nhật Bản, Đông Nam Á, một số doanh nghiệp đã xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là: nông sản (lạc, vừng, dưa chuột, hạt kê, ớt, hạt tiêu, cà phê...), hải sản (tôm, cua, mực khô, rau câu), hàng da giày, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ (các sản phẩm mây tre, sơn mài, chiếu cói...), đá ốp lát, quặng crôm, v.v.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thanh_Hóa http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Nhip-dieu-tre/2... http://www.pcivietnam.org/rankings_general.php //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://www.khucongnghiepbimson.com.vn/ http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_m... http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dot-nhap-trai... http://www.gso.gov.vn/Modules/Doc_Download.aspx?Do... http://www.gso.gov.vn/Modules/Doc_Download.aspx?Do... http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid...